• Tiếng Việt
  • English
  • Khí máu động mạch giúp đánh giá tình trạng thăng bằng kiềm toan, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa máu của bệnh nhân, đây là một xét nghiệm rất quan trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng.

    1. Xét nghiệm khí máu động mạch để làm gì?

    Khí máu động mạch là xét nghiệm được thực hiện trên máu động mạch của bệnh nhân. Xét nghiệm sẽ giúp cung cấp những thông số như pH máu, áp suất khí carbonic trong máu động mạch (PaCO2), nồng độ bicarbonat trong huyết tương HCO3-, độ bão hòa oxy trong máu động mạch (SaO2) và áp suất riêng phần của oxy hòa tan trong máu động mạch (PaO­2). Các thông số này sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng thăng bằng kiềm toan, tình trạng thông khí và tình trạng oxy hóa của bệnh nhân.

    Hồng cầu trong máu vận chuyển oxy (O2) và carbon dioxide (CO2) – là những “khí trong máu” – đi khắp cơ thể. Sự mất cân bằng nồng độ oxy, carbon dioxide và nồng độ pH trong máu của bạn có thể cảnh báo sự hiện diện của các bệnh lý, chẳng hạn bệnh tim, phổi hay thận. Xét nghiệm khí máu động mạch (ABG) có mục đích là để đo nồng độ oxy và CO2 trong máu ở động mạch. Xét nghiệm này được dùng để xem khả năng đưa khí oxy vào trong máu và thải C02 ra ngoài máu của phổi. Mẫu máu được dùng cho xét nghiệm ABG phải được lấy từ động mạch (hầu hết các xét nghiệm máu khác đều được lấy từ tĩnh mạch, tĩnh mạch chứa máu đã sử dụng hết khí oxy chỉ còn CO2).

    Đối với bệnh nhân cần thở máy, kết quả xét nghiệm khí máu động mạch được thực hiện trước khi thở máy sẽ giúp điều chỉnh thông số thở máy. Những thông tin về tình trạng cân bằng pH trong máu và nồng độ oxi lẫn C02 sẽ giúp bác sĩ đánh giá được chức năng của thận và phổi. Nhờ biết được sự mất cân bằng trong nồng độ PH và nồng độ khí trong máu mà bác sĩ có thể sớm biết được cơ thể của bạn đang bị bệnh và nó đang cố gắng để chống chọi lại bệnh như thế nào. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm khí máu nếu bạn có các triệu chứng mất cân bằng oxy, CO2 hoặc pH. Các triệu chứng có thể bao gồm: hụt hơi, khó thở, mệt mỏi, buồn nôn,… Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, bao gồm hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

    Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho bạn làm xét nghiệm phân tích khí máu nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang có những tình trạng sau đây: Bệnh về phổi, Bệnh về thận, Bệnh về trao đổi chất, Chấn thương đầu hay cổ ảnh hưởng đến hô hấp, Việc xác định sự mất cân bằng về độ pH và nồng độ khí trong máu cũng có thể giúp bác sĩ theo dõi việc điều trị một số bệnh nhất định, chẳng hạn như các bệnh về phổi và thận. Xét nghiệm khí máu thường được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm đường huyết để kiểm tra lượng đường trong máu và xét nghiệm creatinin máu để đánh giá chức năng thận.

    2. Cách lấy máu để làm xét nghiệm khí máu động mạch

    Để có mẫu máu xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ lấy máu động mạch của bệnh nhân. Các vị trí lấy máu thường sử dụng nhất đó là động mạch quay ở cổ tay, động mạch cánh tay và động mạch bẹn. Trong đó, lấy máu ở động mạch quay là khó nhất và động mạch bẹn là dễ nhất, do đường kính động mạch bẹn to, đường kính động mạch quay lại khá nhỏ. Tuy nhiên, nếu xét về tính an toàn thì lấy máu ở động mạch quay là an toàn nhất.

    Động mạch quay là vị trí thường được sử dụng nhất trên lâm sàng, nếu thất bại khi lấy máu ở động mạch quay, bác sĩ mới chỉ định lấy máu ở các vị trí khác. Nguyên nhân của sự lựa chọn này là do khi đưa kim tiêm vào lòng động mạch để lấy máu sẽ gây nguy cơ hình thành huyết khối và tắc mạch, đây là một biến chứng hết sức nguy hiểm. Ở bàn tay, có hai động mạch cấp máu, đó là động mạch quay và động mạch trụ. Nếu có huyết khối hình thành và làm tắc hoàn toàn động mạch quay thì động mạch trụ vẫn có khả năng cấp máu và bàn tay sẽ không bị hoại tử.

    Đánh giá chức năng động mạch trụ trước khi lấy máu rất quan trọng, nhằm đảm bảo động mạch trụ hoạt động ổn định, có khả năng cung cấp đủ máu cho bàn tay nếu huyết khối động mạch quay xảy ra. Biện pháp thường được dùng để đánh giá đó là thực hiện nghiệm pháp Allen. Nghiệm pháp Allen được thực hiện như sau:

    Bệnh nhân được hướng dẫn nắm chặt tay để giảm lượng máu xuống bàn tay. Điều dưỡng sẽ dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào đường đi của động mạch quay và động mạch trụ trong vài giây. Bàn tay bệnh nhân sẽ trắng bệch vì lượng máu đến tay giảm. Thả ngón tay giữ động mạch trụ, nếu bàn tay hồng hào trở lại trong 7-10 giây chứng tỏ máu đến nuôi tay tốt. Nếu bàn tay không hồng hào trở lại chứng tỏ động mạch trụ ở tay đó không cung cấp đủ máu nuôi tay, tiến hành kiểm tra ở tay còn lại.

    3. Cách đọc khí máu động mạch cơ bản

    Các chỉ số khí máu bình thường khi thuộc những khoảng giá trị sau đây:

    Máy xét nghiệm khí máu GASTAT – Navi

    • pH máu: 7.35- 7.45
    • PaCO2: 35-45 mmHg
    • HCO3-: 22-26 mEq/l
    • SaO­2: 95-100%
    • PaO2: 80-100 mmHg

    Để biết được chính xác tình trạng sức khỏe và các chỉ số máu, khí máu,,… của bản thân, người bệnh cần tới các trung tâm điều trị uy tín, chất lượng, hiện đại để thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của Y Bác sĩ. Duy Minh Medical tự hào được đồng hành cùng nhiều đơn vị y tế, bệnh viện trên cả nước trong cung cấp giải pháp xét nghiệm hiện đại!

    Rate this post

    Bài viết khác