• Tiếng Việt
  • English
  • Tỷ lệ đột quỵ ngày càng gia tăng, nhất là ở người trẻ. Đột quỵ có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Tầm soát đột quỵ sớm là cách hiệu quả giúp mỗi người chủ động giảm thiểu rủi ro do đột quỵ, bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

     

    Đột quỵ là gì?

    Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm đột ngột. Tình trạng này khiến não bị tổn thương, các tế nào não chết hàng loạt trong thời gian ngắn do thiếu oxy và dinh dưỡng.

     

    Có 2 nhóm đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (tình trạng tắc nghẽn trong động mạch) và đột quỵ do xuất huyết não (vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất).

     

    Đột quỵ có thể gây nên nhiều biến chứng nặng nề như liệt, lú lẫn, trầm cảm, mất trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, bệnh lý huyết khối tắc mạch, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, mất khối cơ,… Nếu không can thiệp kịp thời, người bị đột quỵ còn có thể bị tàn phế hay thậm chí là tử vong.

     

    Đột quỵ có thể được phòng ngừa thông qua việc tầm soát các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân gây tắc mạch máu não hoặc chảy máu não như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh van tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim, dị dạng mạch máu não,…

     

    Sau quá trình tầm soát và kiểm tra sức khỏe, nếu người bệnh đang gặp phải các yếu tố nguy cơ hay vấn đề sức khỏe liên quan, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hoặc các lời khuyên về chế độ ăn uống, sinh hoạt để có thể phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

     

    Nguy cơ dẫn đến đột quỵ

     

    Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ bao gồm:

     

    Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ;

     

    Mắc các bệnh lý như các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đái tháo đường, đau nửa đầu Migraine, bệnh lý tim mạch, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,…;

     

    Cao huyết áp;

     

    Bị thừa cân, béo phì, hàm lượng cholesterol cao;

     

    Sử dụng viên uống tránh thai;

     

    Sử dụng hormone sau mãn kinh;

     

    Ít vận động, luyện tập thể dục thể thao;

     

    Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.

     

    Tầm soát nguy cơ đột quỵ

    Theo ThS.BS Lê Thế Phi – Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khi tầm soát đột quỵ, bác sĩ khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, các thói quen và triệu chứng đang gặp phải (nếu có). Bác sĩ chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, chụp chiếu, xét nghiệm, siêu âm chuyên sâu để khảo sát các yếu tố nguy cơ của người bệnh.

     

    Tùy trường hợp và nhu cầu, bạn có thể tầm soát đột quỵ theo mức cơ bản hay nâng cao, chuyên sâu.

     

    Với gói tầm soát cơ bản, bạn có thể được khám và làm xét nghiệm các vấn đề nguy cơ như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, máu nhiễm mỡ, huyết áp, tiểu đường…

     

    Với gói tầm soát nâng cao, người đi khám được tầm soát thêm bằng chụp mạch máu não, khảo sát toàn diện mạch máu não, cấu trúc nhu mô não, nguy cơ tắc nghẽn, túi phình, dị dạng, hẹp mạch máu não, tiền sử xuất huyết não.

     

    Bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra tim, siêu âm tim, điện tim, khám động mạch chủ bụng, động mạch ở các chi, kiểm tra gan, thận, khi cần thiết.

     

    Nhìn chung, nên tầm soát nguy cơ đột quỵ càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ. Người từng bị một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đã từng bị đột quỵ trước đó cũng nên thực hiện tầm soát sớm.

     

    Tần suất tầm soát đột quỵ còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe người bệnh cũng như người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ hay không. Với người khỏe mạnh, dưới 50 tuổi, kết quả tầm soát đột quỵ trước đây không phát hiện bất thường thì có thể tầm soát định kỳ mỗi 3-5 năm/lần.

     

    Nếu người bệnh đã trên 50 tuổi, có những yếu tố nguy cơ cao như bị mỡ máu cao, tiểu đường, tăng huyết áp thì nên chủ động theo dõi sức khỏe thường xuyên và tầm soát đột quỵ 1-2 năm/lần.

    Rate this post

    Bài viết khác